Friday, April 26, 2024

Kháng cáo của cựu TT Trump về quyền miễn trừ

 BM

Hôm 25/04, Tối cao Pháp viện đã nghe các tranh luận trong một vụ kiện cáo buộc mang tính chính trị về việc liệu cựu Tổng thống Donald Trump có được hưởng quyền miễn trừ khỏi bị truy tố đối với các hành động theo thẩm quyền được thực hiện trong thời gian ông tại vị hay không.


Nhìn chung, Tối cao Pháp viện cố gắng kết thúc nhiệm kỳ thường niên của mình, vốn bắt đầu vào tháng Mười, và đưa ra những phán quyết về rất nhiều vụ án mà tòa án này đã xét xử trong nhiệm kỳ kết thúc vào cuối tháng Sáu hàng năm, nhưng Pháp viện có thể đưa ra bản ý kiến của mình trong vụ ông Trump kiện Hoa Kỳ bất cứ lúc nào. Thời điểm đưa ra bản ý kiến sẽ có những tác động mang tính chính trị, đặc biệt là nếu Tối cao Pháp viện trả lại vụ việc cho tòa án cấp dưới để xem xét lại.


Tòa án cấp dưới có thể không ra phán quyết kịp thời và điều này có lẽ sẽ giúp ích cho đội ngũ pháp lý của ông Trump, vốn đang cố gắng trì hoãn các vụ truy tố khác nhau.


Đảng Dân Chủ cho rằng cựu Tổng thống Trump phải bị truy tố vì ông được cho là đã vi phạm các quy tắc khi còn đương chức, và họ lo ngại rằng nếu ông giành được chiến thắng về quyền miễn trừ tổng thống, thì các vụ án hình sự đang chờ giải quyết chống lại ông ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, New York, Florida, và Georgia có thể bị bị chậm lại hoặc thậm chí bị bác bỏ.


Đảng Cộng Hòa cho rằng các vụ truy tố ông Trump khác nhau này là các hoạt động chính trị mang tính đảng phái một cách rõ ràng do đối thủ tranh cử của ông, Tổng thống của Đảng Dân Chủ Joe Biden, dàn dựng nhằm mục đích gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử năm 2024 của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hòa này.


Sau khi Tòa Phúc thẩm Liên bang cho Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn từ chối tạm dừng cuộc truy tố chưa từng có trong lịch sử của Biện lý Đặc biệt Jack Smith về can thiệp bầu cử đối với Tổng thống Trump hồi tháng 12/2023, Tối cao Pháp viện đã đồng ý đẩy nhanh vụ việc. Vụ truy tố ở Hoa Thịnh Đốn, vốn đã bị tạm dừng tại tòa án quận liên bang ở giai đoạn trước khi xét xử, xoay quanh vụ vi phạm an ninh tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021 khi các nhà lập pháp đang bỏ phiếu để chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.


Phía công tố cho rằng Tổng thống Trump đã cố gắng một cách bất hợp pháp để phá hoại tiến trình dân chủ bằng cách thách thức kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.


BM
Câu hỏi chính xác mà Tối cao Pháp viện đã đồng ý xem xét là, “Liệu và nếu có thì ở mức độ nào một cựu tổng thống được hưởng quyền miễn trừ tổng thống khỏi bị truy tố hình sự đối với hành vi bị cáo buộc là có liên quan đến các hành động theo thẩm quyền trong nhiệm kỳ của ông ấy?”


Dưới đây là những điểm quan trọng từ phiên điều trần hôm 25/04.


Luật sư của ông Trump cảnh báo về việc làm suy yếu các tổng thống


BM


Luật sư của Tổng thống Trump, ông D. John Sauer, cho rằng chức vị tổng thống không thể thực hiện đúng chức năng trừ phi tổng thống được bảo đảm rằng sau khi rời nhiệm sở, ông sẽ không bị truy tố vì các quyết định chính sách của mình.


Ông Sauer nói trong tuyên bố mở đầu: “Những hệ quả từ phán quyết của tòa án ở đây vượt ra ngoài dữ kiện của vụ kiện này.”


Ông nói: “Trong 234 năm lịch sử nước Mỹ, chưa có tổng thống nào từng bị truy tố vì những hành động theo thẩm quyền của mình. Những nhà soạn thảo Hiến Pháp của chúng ta xem một viên chức hành pháp đầy nghị lực là cần thiết để đạt được quyền tự do.”


BM


“Nếu một tổng thống có thể bị buộc tội, đưa ra xét xử, và bỏ tù vì những quyết định gây tranh cãi nhất của ông ấy ngay khi ông ấy rời nhiệm sở, thì mối đe dọa rình rập đó sẽ làm méo mó việc ra quyết định của tổng thống ngay khi cần nhất là hành động táo bạo và can đảm.”


Luật sư này cho biết nếu không có quyền miễn trừ, mọi tổng thống sẽ có thể bị các đối thủ chính trị của mình tống tiền khi vẫn còn đương chức.


“Việc truy tố tổng thống vì những hành động theo thẩm quyền của ông ấy là một sự đổi mới không có chỗ đứng trong lịch sử hay thông lệ, và không phù hợp với cấu trúc Hiến Pháp của chúng ta.”


Thẩm phán Gorsuch: ‘Viết một quy tắc cho mọi thời đại’


BM


Hai thẩm phán lo ngại rằng việc buộc tội hình sự một cựu tổng thống sẽ tạo tiền lệ xấu có thể gây tổn hại cho đất nước.


Thẩm phán Brett Kavanaugh nói với luật sư Michael Dreeben của Bộ Tư pháp rằng vụ kiện khiến ông “lo ngại những lần sử dụng luật hình sự trong tương lai để nhắm vào các đối thủ chính trị dựa trên những cáo buộc về động cơ của họ.”


“Theo quan điểm của tôi, vụ kiện này có hệ quả rất lớn đối với chức vụ tổng thống, đối với tương lai của chức vụ tổng thống, đối với tương lai của đất nước,” Thẩm phán Kavanaugh nói.


Sau khi lưu ý “tính chất nguy hiểm của việc buộc tội đối thủ chính trị của quý vị có động cơ xấu,” Thẩm phán Neil Gorsuch nói rằng Tối cao Pháp viện có trách nhiệm nặng nề đối với các thế hệ tương lai để phải làm mọi việc cho đúng đắn.


“Chúng tôi đang viết ra một quy tắc cho mọi thời đại,” ông nói.


Thẩm phán Alito: Truy tố vì những lỗi lầm ngay thật?


BM


Thẩm phán Samuel Alito cho biết “các tổng thống phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn về việc thi hành luật pháp, và họ phải đưa ra các quyết định về những vấn đề chưa được giải quyết.”


“Tôi hiểu ý ông khi nói, ‘Chà, quý vị biết đấy, nếu ông ấy phạm sai lầm, ông ấy phạm sai lầm, thì ông ấy phải chịu luật hình sự giống như bất kỳ ai khác.’ Ông không nghĩ là ông ấy ở một vị trí đặc biệt, đặc biệt rủi ro phải không?” vị thẩm phán này nói với ông Dreeben.


Ông Dreeben cho rằng không thể có chuyện một tổng thống sẽ mắc sai lầm.


“Ông ấy đã được tiếp cận với sự tư vấn pháp lý về mọi việc ông ấy làm,” luật sư này nói. “Luật pháp Hoa Kỳ và Hiến Pháp Hoa Kỳ, và việc phạm sai lầm không phải là nguyên nhân khiến quý vị bị truy tố hình sự.”


Ông Dreeben cho rằng những hành động của Tổng thống Trump xung quanh ngày 06/01 không nên được miễn trừ vì tổng thống không thực sự tham gia vào thủ tục Quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử.


“Tôi khó mà hiểu được làm sao lại có thể có một thắc mắc nghiêm túc về Hiến Pháp khi nói rằng quý vị không thể dùng cách gian lận để cản trở chức năng đó. Quý vị không thể cản trở chức năng đó bằng sự lừa dối,” ông nói.


“Quý vị không thể tước đi quyền của các cử tri mà theo đó lá phiếu của họ phải được kiểm đếm cho ứng cử viên mà họ đã chọn.”


Thẩm phán Jackson: ‘Quyền miễn trừ tuyệt đối’ có thể khuyến khích hành vi phạm tội


BM


Sau khi ông Sauer nói rằng viễn cảnh các tổng thống bị truy tố sau khi rời nhiệm sở có thể làm nhụt chí hành vi của họ khi còn đương chức, Thẩm phán Ketanji Brown Jackson cho rằng nguy cơ này không khiến bà lo lắng.


“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề trái lại thực sự nghiêm trọng nếu như tổng thống không biết sợ. Nếu như … người quyền lực nhất thế giới này … có thể nhậm chức biết rằng sẽ không có hình phạt tiềm tàng nào cho những tội lỗi phạm phải, thì tôi đang cố gắng hiểu xem điều gì sẽ cản trở việc biến Oval Office thành … trung tâm của hoạt động tội phạm ở đất nước này,” vị thẩm phán này nói.


“Nếu trách nhiệm hình sự có thể được loại bỏ, thì liệu sẽ có nguy cơ đáng kể rằng các tổng thống tương lai sẽ được khuyến khích phạm tội khi họ còn đương chức không?”


“Ngay từ đầu,” các tổng thống đã biết rằng sau này họ có thể bị truy tố, và “đó có thể là điều khiến cho văn phòng này không trở thành kiểu trung tâm tội phạm mà tôi đang hình dung,” bà nói.


“Một khi chúng ta nói ‘Không có trách nhiệm hình sự, thưa Tổng thống, ông có thể làm bất cứ điều gì ông muốn,’ thì tôi lo rằng chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề tồi tệ hơn vấn đề là tổng thống cảm thấy bị ràng buộc phải tuân theo luật pháp khi còn đương chức.”


Ông Dreeben nói rằng Tối cao Pháp viện “chưa bao giờ công nhận quyền miễn trừ hình sự tuyệt đối đối với bất kỳ công chức nào.”


BM


Tổng thống Trump tuyên bố ông “có quyền miễn trừ hình sự vĩnh viễn đối với các hành động theo thẩm quyền của mình, trừ phi ngay từ đầu ông bị đàn hặc và tuyên bố có tội,” luật sư này nói.


“Thuyết mới” này về “quyền miễn trừ tổng thống không có cơ sở trong Hiến Pháp,” ông cho biết.


“Những nhà soạn thảo [Hiến Pháp] biết quá rõ những nguy hiểm của một vị vua không thể làm gì sai. Do đó, họ đã nghĩ ra một hệ thống để ngăn chặn những hành vi lạm dụng quyền lực, đặc biệt là việc lợi dụng quyền hạn thuộc thẩm quyền vì tư lợi.”


Không có phán quyết trước đây về việc Tổng thống tự ân xá


BM

Mặc dù Hiến Pháp Hoa Kỳ không quy định rõ ràng việc một tổng thống không thể tự ân xá, nhưng Tối cao Pháp viện chưa bao giờ thực sự ra phán quyết về vấn đề này.


“Chúng tôi chưa bao giờ trả lời liệu một tổng thống có thể làm điều đó hay không,” Thẩm phán Gorsuch nói. “May mắn thay, việc này chưa bao giờ được đưa ra cho chúng tôi.”


Ông cho biết, tuy vậy, nếu các tổng thống biết rằng họ không có quyền miễn trừ đối với các hành động được thực hiện khi còn đương chức và họ sợ những người kế nhiệm mình sẽ truy tố hình sự khi họ quay trở lại cuộc sống bình thường, thì họ có thể bắt đầu tự ân xá cho bản thân trước khi rời nhiệm sở.


“Có lẽ, nếu ông ấy cảm thấy cần phải làm vậy, thì ông ấy sẽ tự ân xá cho mình … bốn năm một lần kể từ bây giờ,” vị thẩm phán này nói.


Ông Dreeben cho biết Bộ Tư pháp không có quan điểm gì về vấn đề tự ân xá, mặc dù một thành viên của Văn phòng Tư vấn Pháp lý đã viết một nghiên cứu nói rằng một tổng thống không thể tự ân xá cho chính mình.


Vị luật sư này nói, ý tưởng rằng một tổng thống có thể làm điều đó “dường như mâu thuẫn với nguyên tắc nền tảng của luật pháp của chúng ta rằng không ai sẽ là thẩm phán trong vụ kiện của chính mình.”


Còn hành động của Tổng thống Obama và Tổng thống Roosevelt thì sao?


BM


Thẩm phán Alito muốn biết liệu sắc lệnh của Tổng thống Franklin D. Roosevelt ra lệnh giam giữ những sinh viên người Mỹ gốc Nhật trong Đệ nhị Thế chiến có thể dẫn đến một cáo buộc âm mưu chống lại quyền công dân hay không. Chính sách giam giữ này đã bị chỉ trích gay gắt trong những năm hậu chiến tranh.


Ông Dreeben trả lời “hiện nay, thì có,” vì Tối cao Pháp viện đã bác bỏ phán quyết của mình trong vụ Korematsu kiện Hoa Kỳ (1944). Vụ Korematsu, trong đó Pháp viện ủng hộ chính sách của Tổng thống Roosevelt, được cho là một trong những phán quyết tồi tệ nhất chưa từng có của Tối cao Pháp viện.


Chánh án John Roberts đã viết bản ý kiến đa số trong vụ ông Trump kiện Hawaii (năm 2018), ủng hộ chính sách của Tổng thống Trump về việc ngăn mọi người ra khỏi những khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng bởi khủng bố, điều mà vị thẩm phán này mô tả là “một chính sách có vẻ ngoài trung lập phủ nhận đặc quyền được tiếp nhận của một số công dân ngoại quốc.” Chính sách của Tổng thống Trump, mà những người chỉ trích gọi là một “lệnh cấm Hồi Giáo,” khác với “việc cưỡng bức di dời công dân Hoa Kỳ đến các trại tập trung, chỉ và rõ ràng là dựa trên cơ sở chủng tộc,” Thẩm phán Roberts viết.

Nhưng sau đó ông Dreeben dường như lảng tránh, nói rằng Tổng thống Roosevelt “đã đưa ra quyết định với sự tư vấn từ tổng chưởng lý của ông ấy. Đó là một tầng bảo vệ.”


BM


Thẩm phán Kavanaugh hỏi liệu Tổng thống Gerald Ford có thể bị truy tố vì ân xá cho Tổng thống Richard Nixon hay không. Mặc dù quyết định này không được nhiều người ủng hộ vào thời điểm đó và có thể dẫn đến sự thất bại của Tổng thống Ford trong cuộc bỏ phiếu năm 1976, nhưng “hiện giờ tôi nghĩ quyết định đó được hầu hết mọi người coi là một trong những quyết định tốt hơn trong lịch sử tổng thống.”


Có lẽ Tổng thống Ford đang nghĩ, “‘chà, nếu mình ân xá cho ông Richard Nixon, liệu chính mình có thể bị điều tra vì tội cản trở công lý dựa trên lý thuyết rằng mình đang can thiệp vào cuộc điều tra ông Richard Nixon không?’” vị thẩm phán này hỏi.


Ông Dreeben trả lời rằng “điều này sẽ rơi vào lĩnh vực cốt lõi nhỏ … thuộc trách nhiệm của tổng thống mà Quốc hội không thể kiểm soát.”


BM


Thẩm phán Kavanaugh hỏi liệu Tổng thống Barack Obama có thể bị truy tố vì ra lệnh các cuộc tấn công bằng thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến (drone) khiến nhiều công dân Mỹ thiệt mạng hay không.


Ông Dreeben nói: “Không có nguy cơ bị truy tố vì tiến trình của hoạt động đó.”


Văn phòng Tư vấn Pháp lý đã xem xét câu hỏi này và phát hiện ra rằng có “một ngoại lệ của cơ quan công quyền gắn vào các luật và được áp dụng đặc biệt cho đạo luật về sát nhân, vì luật này nói về việc sát nhân trái pháp luật, [và] không áp dụng cho cuộc tấn công bằng drone.”




Matthew Vum  _  Cẩm An


baomai.blogspot.com

Công ty công nghệ đang tiêu thụ điện và nước của Mỹ như thế nào?
Một hợp chất trong cà phê chống lại tình trạng mất cơ do tuổi tác
6 cách tối ưu việc nhập viện bất ngờ và phục hồi...
Miệt mài với công việc viết lách chuyên mục
Chính phủ Hoa Kỳ chi tiền cho cuộc tấn công của Iran vào Israel?
Đột tử khi ngủ: Nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo và cách phòng ngừa
Không kích Isfahan... Trả đũa?,... hay Thăm dò trách nhiệm?
Vụ kiện cựu TT Trump đã lộ rõ sự thiếu lương thiện của phe Dân Chủ
Bạn có nghiện đường không?
Melania Trump ra mắt chiếc vòng cổ cho Ngày Từ Mẫu
Chuỗi cửa hàng 99 Cents Only ở Los Angeles bị đóng cửa
Tại sao tôi ủng hộ cựu TT Trump nhiều hơn TT Biden
Hơn 13,000 người Mỹ bị loại khỏi an sinh xã hội vào tháng Ba
Xưng hô tiếng "CƯNG"
Giáo dục Con khi nào và như thế nào?
Thể chế cha truyền con nối của gia tộc họ Kim ở Bắc Hàn
Kế hoạch kinh tế của ĐCS_TC cho thấy những bất cập lớn
Dương Thu Hương lý giải về sự hình thành "Sư Quốc Doanh"
Bí ẩn về người ‘tí hon’
Ơn Sâu Nghĩa Nặng

Thursday, April 25, 2024

Công ty công nghệ đang tiêu thụ điện và nước của Mỹ như thế nào?

 BM

Khi các chính sách về phát thải ròng bằng 0 (net zero) của liên bang tìm cách chuyển các ngành giao thông, sưởi ấm, và các ngành thiết yếu khác vào lưới điện thì một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế Mỹ chuẩn bị tăng mạnh nhu cầu sử dụng điện, gây căng thẳng thêm cho một cơ sở hạ tầng năng lượng vốn đang bị đẩy vào tình trạng báo động.


Các trung tâm dữ liệu, còn được gọi là “bộ não của Internet,” là các nhà kho công nghiệp chứa đầy các hàng máy chủ. Chúng xử lý, truyền tải thông tin, và lưu trữ dữ liệu đằng sau mọi thứ từ các hồ sơ ngân hàng, những nhà bán lẻ trực tuyến, và các nền tảng truyền thông xã hội cho đến các chương trình Netflix và video cá nhân trên iPhone của quý vị.


“Các trung tâm dữ liệu rất cần thiết đối với điện toán đám mây và khả năng cung cấp cho người dùng quyền truy cập từ xa vào dữ liệu,” một báo cáo của Hệ thống Dự trữ Liên bang năm 2023 viết, trích dẫn một bài báo của tạp chí Science gọi các trung tâm này là “trụ cột thông tin của một thế giới ngày càng số hóa.”


BM


Nhiều nhà phân tích ca ngợi các trung tâm dữ liệu là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thị trường địa ốc, nhưng ngành này có thể sớm gặp khó khăn khi các cộng đồng địa phương ngày càng phản đối nhu cầu điện và nước dường như vô độ của họ.


Theo một báo cáo hồi tháng Một của Newmark, một công ty tư vấn địa ốc thương mại, “Trong khi các lĩnh vực địa ốc thương mại khác đang trải qua sự suy giảm về quy mô xây dựng, thì việc xây dựng trung tâm dữ liệu lại đạt mức cao chưa từng có.”


“Tuy nhiên, sự tăng trưởng ngày càng bị hạn chế bởi đất đai và nguồn điện sẵn có, những thách thức về chuỗi cung ứng và sự chậm trễ trong xây dựng, chưa kể đến sự phản kháng ngày càng tăng từ một số khu vực pháp lý địa phương.”


Báo cáo cho biết sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác đang thúc đẩy nhu cầu này.


Dẫn đầu ngành này là các đại công ty điện toán đám mây như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, Google Cloud, và Meta, hơn nữa còn có các chủ nhà kỹ thuật số, hay còn gọi là dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ (co-location), nơi cho bên thứ ba thuê không gian lưu trữ. Những công ty đó gồm Equinix, Digital Realty, và CyrusOne.
BM

Các kho dữ liệu tiêu thụ 17 GW điện vào năm 2022, tương đương với khoảng 4% tổng mức tiêu thụ của Hoa Kỳ. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 35 GW vào năm 2030.


Ông Eric Woodell, tiến sĩ khoa học về hệ thống thông tin và truyền thông, đồng thời là người sáng lập Amerruss, một công ty quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ, gọi các trung tâm dữ liệu là “những nơi tiêu tốn năng lượng.”


“Nhưng giờ đây, trung tâm dữ liệu dành cho các ứng dụng AI của quý vị không còn là một nơi tiêu tốn năng lượng nữa mà là một vấn đề nổi cộm đang hiện diện phía sân sau nhà quý vị,” ông nói.


Ông Woodell đã quản lý các trung tâm dữ liệu trong 25 năm, trước đây từng làm việc cho Vanguard, công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới.


Ông cho biết, một không gian chỉ rộng 10 foot vuông (khoảng 0.9 mét vuông) trong trung tâm dữ liệu trung bình tiêu thụ lượng điện nhiều gấp 10 lần so với một ngôi nhà trung bình.


BMBM

“Trong khi các trung tâm dữ liệu thông thường đang tiêu thụ một lượng điện năng rất lớn, thì điện toán AI không sử dụng các đơn vị xử lý trung tâm (CPU) mà thay vào đó là các hệ thống dựa trên các đơn vị xử lý đồ họa (GPU), vì GPU được thiết kế để xử lý tốt hơn các hàm toán học phức tạp,” ông nói. “Nhưng có một nhược điểm: hệ thống này tiêu thụ điện năng gấp 5 đến 10 lần so với các hệ thống CPU được trang bị tương tự.”


Nhu cầu điện tăng mạnh này gây căng thẳng cho một mạng lưới vốn đã được dự đoán sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện và mất điện luân phiên thường xuyên trong những năm tới. Điều này là do có nhiều nhu cầu được đặt lên lưới điện hơn vào thời gian này, khi các nhà cung cấp điện đang tích cực đóng cửa các nhà máy than và khí đốt trong tiến trình chuyển đổi sang phong năng và quang năng.


Giảm tải có nghĩa là cắt điện đối với người tiêu dùng, hay tạo ra các đợt mất điện, để ngăn chặn tình trạng sụp đổ hệ thống.


Theo một nghiên cứu hồi tháng Hai của Quanta Technologies về trường hợp của một công ty điện lực lớn trong khu vực, công ty PJM, “tình trạng quá tải thiết bị sẽ khiến công suất cho nhu cầu cao điểm trung bình vào mùa đông bị giảm tải lên tới 6.826 MW” trong vài năm tới.


Giảm tải có nghĩa là cắt điện đối với người tiêu dùng, hay tạo ra các đợt mất điện, để ngăn chặn tình trạng sụp đổ hệ thống.


PJM phục vụ cho hàng chục tiểu bang phía đông vùng Trung Đại Tây Dương với tư cách là một nhà cung cấp sỉ.


“Phân tích cho thấy tình trạng quá tải dự kiến của 30 cơ sở truyền tải công suất lớn (230 kV trở lên) vào mùa hè năm 2028 chủ yếu do tăng trưởng phụ tải cao liên quan đến các trung tâm dữ liệu mới,” báo cáo nêu rõ.


BM

Một cách đáng ngạc nhiên, dù việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo được cho là để chống lại sự tăng nhiệt độ, nhưng báo cáo của Quanta phát hiện rằng “nhu cầu điện đang chạm mức cao điểm ít hơn vào mùa hè và nhiều hơn vào mùa đông.” Điều này là đặc biệt đáng lo ngại khi các tiểu bang ở bờ Tây và miền Đông Bắc đại diện cho gần một phần ba người tiêu dùng khí đốt tự nhiên trên khắp Hoa Kỳ, đang cấm sử dụng hệ thống sưởi bằng khí đốt trong những ngôi nhà mới, buộc các gia đình tại đó phải phụ thuộc vào điện năng để vận hành chức năng sưởi ấm cần thiết.

BM

Ông Woodell cho biết, PJM dự báo nhu cầu tiêu thụ điện của trung tâm dữ liệu sẽ tăng lên 7,500 MW vào năm 2028, kết hợp với việc ngừng sản xuất 11,100 MW năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, điều này sẽ gây ra một lượng thiếu hụt là 18.6 GW điện năng chênh lệch giữa nhu cầu mới này và nguồn cung cấp còn lại trong lĩnh vực.


“18.6 GW sẽ cung cấp năng lượng gấp ba lần nhu cầu của khoảng 3 triệu ngôi nhà hoặc cả thành phố New York,” ông nói. “Những hậu quả là vô cùng to lớn.”


Cửa ngõ trung tâm dữ liệu


Theo ông Ryan Yonk, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER), trên toàn cầu, các trung tâm dữ liệu tiêu thụ khoảng 3% điện năng của thế giới. Ông cho rằng mức tiêu thụ này có xu hướng ổn định và có thể dự đoán được, đồng thời các công ty cung cấp điện có thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu này.


Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi các trung tâm tập trung vào một khu vực duy nhất, đặc biệt nếu khu vực đó đang chuyển đổi khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.


Ông Yonk nói: “Đối với các cộng đồng riêng lẻ, có một số câu hỏi thiết thực được đặt ra về các trung tâm dữ liệu sắp được khai triển, đặc biệt là liệu các trung tâm này có được tập trung lại hay không, và các trung tâm này thường là như vậy.”


“Các trung tâm dữ liệu rồi cũng sẽ đi đến lúc đòi hỏi có được nguồn điện ổn định, điều đó có nghĩa là lưới điện có thể được mở rộng khá tốt miễn là có công suất sản xuất đủ lớn,” ông cho biết. “Nhưng khi chúng ta chuyển đổi sang năng lượng tái tạo … nhu cầu cơ bản đó càng nhiều thì rắc rối càng có thể xảy ra.”


Phạm vi nghiên cứu của PJM và Quanta là một khu vực rất quan trọng vì trong khu vực này có trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới, nơi đặt khoảng một nửa số trung tâm dữ liệu của Hoa Kỳ và là nơi ước tính có khoảng 70% lưu lượng truy cập Internet của thế giới đi qua.


Đối với bất kỳ ai thực hiện một thao tác tìm kiếm trên Google hoặc một đơn mua hàng trên Amazon, giao dịch đó có thể sẽ được thực hiện thông qua cơ sở gọi là Cửa ngõ Trung tâm Dữ liệu (Data Center Alley), nơi có khoảng 150 kho dữ liệu ở quận Loudoun, phía bắc Virginia.


Cửa ngõ Trung tâm Dữ liệu bắt đầu đi vào hoạt động vào những năm 1980 khi America Online (AOL) đặt trụ sở chính ở đó. Trung tâm này nhanh chóng thu hút những trung tâm dữ liệu khác nhờ có vị trí gần Hoa Thịnh Đốn, việc trung tâm xây dựng mạng lưới cáp quang “dày đặc nhất thế giới,” có nguồn cung cấp điện tương đối rẻ, và các ưu đãi thuế tại địa phương.


Bà Julie Bolthouse, giám đốc về sử dụng đất đai tại Hội đồng Môi trường Piedmont (PEC), nói: “Đây là khu vực mà quý vị muốn đặt địa điểm để kết nối với mọi nơi khác.”


“Mọi người đang bồi đắp lẫn nhau trong các trung tâm dữ liệu này; quý vị phải nghĩ về nơi này như một mạng lưới đồ sộ đang liên lạc với nhau,” bà nói.


“Những gì đã diễn ra từ những năm 1990 đến nay là chúng tôi đã gia tăng quy mô của các trung tâm này. Chúng tôi đã đi từ một tòa nhà nhỏ nguyên là một phần của khuôn viên doanh nghiệp lớn hơn và chỉ có 5 MW, đến những tòa nhà kiểu nhà kho siêu quy mô hiện có diện tích 200,000 feet vuông (khoảng 60,960 mét vuông), và họ đang sử dụng tới 90 MW mỗi tòa nhà.”


Theo báo cáo của PEC, về quy mô, 90 MW tương đương với mức tiêu thụ điện của 22,000 ngôi nhà.

BM

Năm 2022, mạng lưới trung tâm dữ liệu ở phía bắc Virginia đã được mở rộng với một dự án phát triển tên là Digital Gateway, một cụm có quy mô gần bằng Digital Alley, tọa lạc tại quận Prince William lân cận. Bà Bolthouse cho biết, khu vực phát triển mới này gồm 37 tòa nhà và 14 trạm biến áp, mỗi trạm có diện tích 200,000 feet vuông (60,960 mét vuông), và nhiều khu phát triển khác đang được khai triển trên toàn khu vực này.


PEC nêu rõ trong báo cáo rằng các trung tâm dữ liệu hiện tại và sắp tới sẽ tăng mức sử dụng điện lên hơn 20 GW. Hiện tại, tổng nhu cầu cao nhất cho khu vực đó là 23 GW, vì vậy các trung tâm dữ liệu phía bắc Virginia sẽ làm tăng gần như gấp đôi nhu cầu điện của địa phương, tiêu tốn một lượng điện năng nhiều như khối lượng cung cấp cho khoảng 5.5 triệu gia đình.


BM

Vấn đề đối với cộng đồng địa phương là, một khi chính quyền đô thị chấp thuận dự án phát triển này, thì công ty cung cấp điện phải xây dựng đường dây truyền tải và hệ thống phát điện mới để phục vụ sự phát triển đó. Chi phí của cơ sở hạ tầng mới này phần lớn do cộng đồng gánh chịu dưới hình thức hóa đơn tiền điện cao hơn dành cho tất cả những người chi trả.


“Khi thanh toán hóa đơn tiền điện mỗi tháng, quý vị đang trợ cấp rất lớn cho các công ty trị giá hàng tỷ dollar như Amazon, Google, Microsoft, và Apple,” báo cáo của PEC cho biết.


Do đó, các trung tâm dữ liệu ngày càng vấp phải sự phản đối của người dân địa phương, khi họ cố gắng xây dựng cơ sở mới.


Một trong các nhóm phản đối là Liên minh Cải tổ Trung tâm Dữ liệu Virginia, bao gồm khoảng 40 tổ chức gồm các hiệp hội chủ sở hữu nhà, các nhóm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các tổ chức bảo tồn lịch sử, và các nhà hoạt động khí hậu.


Tổ chức này, do bà Bolthouse giữ vai trò lãnh đạo, đang nỗ lực để thông qua luật pháp địa phương nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn việc mở rộng các trung tâm dữ liệu.


Tìm kiếm địa điểm mới để xây dựng


Do đó, các nhà phát triển đã bắt đầu tìm kiếm nơi khác để khảo sát đất đai, năng lượng giá rẻ, và nguồn nước ngầm dồi dào. Các địa điểm mục tiêu gồm Atlanta, Georgia, và Columbus, Ohio. Cheyenne, Wyoming cũng đã phê chuẩn việc phát triển trung tâm dữ liệu quan trọng.


Các nhà phát triển trung tâm dữ liệu cũng đang tìm kiếm địa điểm ở ngoại quốc. Hồi tháng 06/2023, BBC đưa tin rằng các trung tâm dữ liệu sử dụng khoảng 1/5 tổng lượng điện ở Cộng hòa Ireland, tương đương với lượng điện được sử dụng ở tất cả các quận nội thành của đất nước cộng lại.


BBC cho biết mức tiêu thụ năng lượng ở Ireland của các kho dữ liệu này đã tăng 31% từ năm 2021 đến năm 2022 và tăng 400% kể từ năm 2015.

BM

Ông Woodell cho biết, thậm chí đã có thời điểm, trước khi Nga xâm lược Ukraine, người ta đã cân nhắc việc đặt các trung tâm dữ liệu ở những địa điểm lạnh giá như Siberia, một vài địa điểm trong số này cũng có nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân dồi dào. “Nhưng rõ ràng là dự định này không còn nữa vì những lo ngại địa chính trị.”


Cuối cùng, ông tin rằng các chính phủ sẽ vào cuộc để đặt ra các giới hạn cho ngành này khi lưới điện ngày càng không thể đáp ứng nhu cầu công cộng, buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa dữ liệu và các nhu cầu thiết yếu như sưởi ấm hoặc cung cấp điện cho bệnh viện.


“Tôi nghĩ cuối cùng sẽ có những lệnh đình chỉ,” ông nói. “Ở châu Âu và ở Vương quốc Anh, về cơ bản, họ đã đưa ra lệnh đình chỉ xây dựng bất kỳ trung tâm dữ liệu mới nào vì không có đủ điện.”


Và sự cạn kiệt tài nguyên địa phương không chỉ dừng lại ở điện mà còn bao gồm cả việc sử dụng nước.


Các trung tâm dữ liệu tập trung một lượng điện năng đáng kể trong một không gian nhỏ, tạo ra nhiều nhiệt hơn so với mức chỉ làm mát bằng không khí có thể giảm thiểu. Do đó, các trung tâm này tiêu thụ một lượng lớn nước ngầm để giữ cho các máy chủ không bị quá nóng.


BM

Chẳng hạn như Google đã báo cáo rằng họ tiêu thụ 5.6 tỷ gallon (khoảng 21.2 triệu mét khối) nước vào năm 2022, chủ yếu để làm mát các trung tâm dữ liệu của họ. Đây là mức tăng 20% so với mức sử dụng vào năm 2021.

BM

Báo cáo của Fed cho biết ngành dịch vụ trung tâm dữ liệu được xếp vào 10 ngành tiêu thụ nước lớn nhất vào năm 2021.


Theo ông Owen Williams, giám đốc kỹ thuật của Subsea Cloud, một nhà sản xuất “các thùng chứa” máy chủ dữ liệu dưới nước, khi năng lượng được đưa vào máy công nghiệp, xe hơi, hoặc phi cơ, năng lượng đó sẽ được chuyển thành chuyển động vật lý, còn được gọi là “công” (một đại lượng vật lý).


“Khi nói về các trung tâm dữ liệu, thì trong một chiếc máy điện toán hoàn toàn không tồn tại công,” ông Williams nói. “Và khi quý vị cho năng lượng đi vào máy móc và trong bộ máy đó không tồn tại công, thì từng phần năng lượng đi vào phải thoát ra trở lại dưới dạng nhiệt,” ông nói.


“100% năng lượng mà quý vị truyền vào một máy chủ phải được phóng thích ra khỏi máy chủ đó,” ông Williams nói. “Nếu quý vị để năng lượng đó tích tụ, thì về cơ bản máy chủ sẽ bốc cháy, vì vậy với mật độ máy điện toán ngày càng tăng, nhu cầu phóng thích nhiệt này trở nên vô cùng lớn.”


Ông cho biết, thông thường, ngoài lượng điện dùng để cung cấp năng lượng cho máy điện toán, trung bình cần thêm 40% điện năng nữa để làm mát chúng. Điều này gây thêm căng thẳng cho lưới điện và tiêu thụ một lượng lớn nước ngầm tại địa phương trong quy trình này.


Các trung tâm dữ liệu có thể phát triển mạnh dưới biển không?


Các công ty như Microsoft, Subsea Cloud, và một số đối thủ cạnh tranh Trung Quốc tin rằng họ đã tìm ra giải pháp: đưa các trung tâm dữ liệu vào các thùng chứa được đặt dưới vùng nước sâu ngoài khơi.


Các công ty này đã phát triển các công nghệ mới có thể đặt trung tâm dữ liệu ở vùng nước ven biển, cách mặt nước hàng ngàn feet.


BM

Nhiệt độ hoạt động bình thường của một vi mạch máy điện toán là trên 70°C (158°F), đến nỗi ngay cả ở vùng biển nhiệt đới “quý vị vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa nguồn nước và vi mạch, đến nỗi nước sẽ truyền lượng nhiệt này ra khỏi vi mạch mà không tốn chút năng lượng nào để làm được điều đó,” ông Williams nói.


Tuy nhiên, trong khi Microsoft đã xây dựng các thùng chứa máy chủ dữ liệu với vỏ bọc thép dày 5 inch (12.7 cm) để giữ cho áp lực biển sâu không ép lên các thùng chứa, thì Subsea Cloud sẽ đổ đầy các thùng chứa máy chủ dữ liệu của mình bằng chất lỏng không ăn mòn đã được cấp bằng sáng chế, sử dụng các ổ đĩa thể rắn có thể hoạt động trong môi trường chất lỏng. Điều này phục vụ hai chức năng.

BM

“Thứ nhất, công nghệ này truyền nhiệt rất hiệu quả,” ông Williams nói. “Thứ hai, nó giúp duy trì áp suất bên trong thùng chứa bằng với bên ngoài.” Điều này đòi hỏi các thành của thùng chứa dưới biển chỉ dày 1/4 inch (6.35 mm) là đủ.


Ông nói, mặc dù phải mất một vài lần thuyết phục để khiến các công ty công nghệ xem xét giải pháp thay thế dưới nước, nhưng nhu cầu về thùng chứa dưới đáy biển hiện tại là “rất lớn.”


“Chúng tôi rất may mắn khi được ở một nơi mà các công ty rất lớn đang đối thoại với chúng tôi và cả các chính phủ nữa. Thực tế là có vẻ như người dân thế giới không muốn giảm bớt việc sử dụng thiết bị điện tử, AI, và tất cả những thứ đó.”


Các thùng chứa máy chủ dữ liệu chìm có thể giúp giảm thiểu diện tích đất, điện, và nước ngầm cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các trung tâm dữ liệu, nhưng rốt cuộc, ngành dữ liệu toàn cầu vẫn sẽ cần một lượng điện lớn để thúc đẩy tăng trưởng, điều này sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho lưới điện.


Ông Woodell nói rằng trong một ngày không xa, ngành công nghệ sẽ phải đổi mới để có được những thành tựu mới có hiệu quả đáng kể trong việc xử lý dữ liệu hoặc phải đối mặt với những rào cản thực tế và quy định để phát triển hơn nữa.




Kevin Stocklin


BM
Một hợp chất trong cà phê chống lại tình trạng mất cơ do tuổi tác
6 cách tối ưu việc nhập viện bất ngờ và phục hồi...
Miệt mài với công việc viết lách chuyên mục
Chính phủ Hoa Kỳ chi tiền cho cuộc tấn công của Iran vào Israel?
Đột tử khi ngủ: Nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo và cách phòng ngừa
Không kích Isfahan... Trả đũa?,... hay Thăm dò trách nhiệm?
Vụ kiện cựu TT Trump đã lộ rõ sự thiếu lương thiện của phe Dân Chủ
Bạn có nghiện đường không?
Melania Trump ra mắt chiếc vòng cổ cho Ngày Từ Mẫu
Chuỗi cửa hàng 99 Cents Only ở Los Angeles bị đóng cửa
Tại sao tôi ủng hộ cựu TT Trump nhiều hơn TT Biden
Hơn 13,000 người Mỹ bị loại khỏi an sinh xã hội vào tháng Ba
Xưng hô tiếng "CƯNG"
Giáo dục Con khi nào và như thế nào?
Thể chế cha truyền con nối của gia tộc họ Kim ở Bắc Hàn
Kế hoạch kinh tế của ĐCS_TC cho thấy những bất cập lớn
Dương Thu Hương lý giải về sự hình thành "Sư Quốc Doanh"
Bí ẩn về người ‘tí hon’
Ơn Sâu Nghĩa Nặng
Bí ẩn vụ mất tích MH370: Cựu điều tra viên NTSB đề xuất giả thuyết mới